Liên kết web
Thống kê truy cập
Thăm dò
Quá trình phát triển
Quá trình phát triển
19/05/2020 11:47
Màu chữ Cỡ chữ
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH

 Cách đây 64 năm, sau thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ để thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong Chính phủ lâm thời có Bộ Nội Vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng đầu tiên để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền Cách mạng. Ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức Nhà nước trong Nhà nước cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo . 

Sau ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội Vụ với lớp cán bộ đầu tiên, đầy nhiệt huyết cách mạng đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu xây dựng bộ máy Nhà nước cách mạng kiểu mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ chủ tịch, Bộ Nội Vụ đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ các chủ trương quan trọng về xây dựng bộ máy Nhà nước. Sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ (03/09/1945), Chính phủ đã ban hành các Sắc lệnh, Nghị định tập trung vào các vấn đề cốt lõi của việc xây dựng bộ máy chính quyền nhân dân non trẻ, như : tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thành lập các tổ chức Chính phủ, xây dựng và củng cố chính quyền địa phương các cấp, xây dựng Quy chế làm việc của bộ máy Nhà nước; thiết lập chế độ công chức mới.

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, Bộ Nội vụ đã trực tiếp tổ chức thực hiện nhiều công việc cụ thể về tổ chức bộ máy Chính phủ, chế độ công chức, công vụ, xây dựng chính quyền địa phương, đảm bảo trật tự an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, Chính phủ trước sự chống phá của kẻ thù .

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ công tác, Ngành tổ chức Nhà nước cũng từng bước được củng cố, kiện toàn. Theo Nghị định số 14/NV của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm có: Văn phòng giúp việc trực tiếp cho Bộ trưởng và 4 Nha : Nha Công chức và Kế toán phụ trách việc ban hành quy chế công chức và kế toán nội bộ; Nha Pháp chế và Hành chính phụ trách công tác pháp chế và hành chính; Nha Thanh tra phụ trách thanh tra hành chính và chính trị; Nha Công an phụ trách việc trị an.

Từ thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, ngày 02/03/1946 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã bầu ra Chính phủ để lãnh đạo nhân dân thực hiện những nhiệm vụ nặng nề về xây dựng lại đất nước, đấu tranh giữ gìn nền độc lập vừa giành được và tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cơ cấu của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước do Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng, tháng 06/1947 Cụ Tôn Đức Thắng làm Bộ trưởng. Tháng 11 năm 1947 Cụ Phan kế Toại làm Bộ trưởng. Trong 9 năm kháng chiến, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị nhiều văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ ban hành nhằm củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước, thiết lập chế độ công chức mới, phù hợp với điều kiện vừa kháng chiến vừa thực hành kiến quốc. Đặc biệt việc ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 quy định chế độ công chức mới tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước cách mạng.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bộ Nội vụ còn trực tiếp thực hiện nhiều công việc được giao như: xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ; ban hành quy chế tổ chức của Bộ, ngành, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giúp việc Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương; xây dựng và quản lý chính quyền địa phương các cấp; thực hiện hợp nhất Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã thành Ủy ban kháng chiến hành chính; quy định thành phần Ủy ban và quan hệ làm việc giữa Ủy ban các cấp; quy định việc tổ chức bộ máy, thủ tục thành lập, xác lập địa giới hành chính; xây dựng chế độ công chức công vụ mới và quản lý cán bộ công chức, ấn định biên chế, quy định thể lệ tuyển dụng, tổ chức thi tuyển các ngạch công chức; giúp Chính phủ quản lý việc lập hội và quản lý hội, quản lý các vấn đề tôn giáo theo pháp luật. Ngay trong những năm kháng chiến gian khổ, Ngành tổ chức Nhà nước lần đầu tiên đã tổ chức thành công đợt thi tuyển công chức mới cho bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân .

Bộ máy tổ chức của Bộ Nội vụ và của ngành tổ chức Nhà nước cũng được củng cố và phát triển theo quá trình hoàn thiện của bộ máy Nhà nước và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo Sắc lệnh 58/SL của Chủ tịch Chính phủ ký ngày 03/5/1946 xác lập cơ cấu, tổ chức Bộ Nội vụ vẫn gồm có : Văn phòng Bộ và các Nha : Nha công chức và kế toán; Nha pháp chế hành chính (hay còn gọi là Nha pháp chính); Nha Thanh tra; Nha Công an (Việt Nam Công an vụ). Tới năm 1953 Nha Công an được tách ra thành Thứ bộ Công an, sau đổi thành Bộ Công an.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ 7/5/1954 miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhiều vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức công vụ được đặt ra. Sau khi chuyển từ chiến khu về Hà Nội, cán bộ, công chức Bộ Nội vụ đã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc xây dựng bộ máy chính quyền sau chiến tranh. Chỉ trong 01 thời gian ngắn các vấn đề như kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, thành lập các Khu tự trị Tây Bắc, Việt Bắc, tổ chức các tỉnh, thành phố ….; xây dựng chế độ tiền lương, điều chỉnh biên chế đã được thực hiện, góp phần vào việc nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân nhằm khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội .

Trong những năm 1960- 1969, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, trên cơ sở cơ cấu của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp 1959 và Nghị quyết của Quốc Hội, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ được quy định mới.

Ngày 29/9/1961 Chính phủ ban hành Nghị định số 130/CP, Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tốt công tác xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước và công tác dân chính. Trong thời gian này, Bộ đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ mới; trình Hội đồng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ, thể lệ và phê chuẩn thành lập các tổ chức mới thuộc thẩm quyền; về xây dựng và củng cố chính quyền địa phương các cấp, về quản lý địa giới các đơn vị hành chính; tổ chức bầu cử; quản lý Trường hành chính Trung ương; thống kê lực lượng cán bộ, công nhân viên hành chính, sự nghiệp; quản lý biên chế các cơ quan thuộc khu vực sản xuất; về các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ; chính sách với Việt kiều về nước; quản lý công tác phòng cháy chữa cháy.

Trong những năm này, tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ cũng như ngành tổ chức nhà nước có những sự thay đổi và phát triển đáng kể. Tổ chức của Bộ gồm có : Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ chính quyền địa phương, Vụ biên chế tiền lương, Vụ Dân chính và Thông tin, Vụ Việt kiều, Cục PCCC, sau thêm Vụ Hưu trí và các đơn vị sự nghiệp. Đứng đầu Bộ Nội vụ là đồng chí Nông Văn Khiêu (1963-1971)Đặc biệt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, xét tình hình triển khai công tác tổ chức tại địa phương, ngày 13/06/1963, Bộ Nội vụ có Thông tư số 15/NV về việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy làm công tác tổ chức do Bộ Nội vụ chỉ đạo ở địa phương. Theo đó, các công việc do Bộ Nội vụ chỉ đạo ở khu, tỉnh, thành phố trực thuộc TW được tập trung vào một đầu mối tổ chức thống nhất lấy tên là Ban tổ chức dân chính. Ban tổ chức dân chính được tổ chức thành 02 khối : Khối công tác tổ chức và khối chính sách. Việc quy định tổ chức bộ máy làm công tác tổ chức nhà nước ở các tỉnh, thành phố là cột mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn chỉnh của hệ thống tổ chức trong lĩnh vực công tác tổ chức nhà nước. Hệ thống này bao gồm Bộ Nội vụ, các Vụ tổ chức cán bộ ở các Bộ, ngành TW và Ban tổ chức dân chính ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, của ngành trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh, đảm bảo để Nhà nước tổ chức phát triển kinh tế- xã hội trong những năm hoà bình cũng như chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ leo thang ra Miền Bắc, xây dựng và bảo vệ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam .

Từ năm 1970 trở về sau, có sự thay đổi trong hệ thống tổ chức của Ngành tổ chức Nhà nước. Theo Quyết định số 40/CP ngày 26/2/1970 của Hội đồng Chính phủ các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức Nhà nước chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng do đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực trực tiếp chỉ đạo. Bộ Nội vụ lúc này chỉ thực hiện một số nhiệm vụ xã hội, tới ngày 6/6/1975 trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá V, hợp nhất Bộ Công an và Bộ Nội vụ thành một bộ lấy tên là Bộ Nội vụ. Đến tháng 5/1998, Quốc Hội khoá X kỳ họp thứ 3 có Nghị quyết số 13 đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an. Những chức năng, nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ trước kia do Ban tổ chức của Chính phủ thực hiện, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ công tác tổ chức bộ máy được chuyển từ Bộ Nội vụ về phủ Thủ tướng, ngày 20/02/1973 Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 29/CP lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước trong điều kiện tình hình nhiệm vụ mới. Ban Tổ chức của Chính phủ đã thay thế Bộ Nội vụ đảm nhiệm là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức Nhà nước.

Như vậy, mặc dù có sự điều chuyển tổ chức bộ máy đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức của Nhà nước ở trung ương, nhưng hệ thống Ngành tổ chức Nhà nước vẫn duy trì, các nhiệm vụ của ngành vẫn được triển khai thực hiện, tiếp tục tham gia vào việc xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh.        

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI (2002 - 2007) đã quyết định cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong tình hình mới, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ đã được Quốc hội đổi tên thành Bộ Nội vụ, trở lại tên gọi đầu tiên cách đây 64 năm.

© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NỘI VỤ TỈNH BẠC LIÊU
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Nội Vụ
Địa chỉ: đường Nguyễn Tất Thành, khu hành chính tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823861  Fax: 02913.956883   Email: snv@baclieu.gov.vn