Thông tư số 5/2021/TT-BNV có những hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thông tư số 5/2021/TT-BNV ngày 12/8/2021 của Bộ Nội vụ sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2021. Trong Thông tư mới này BNV có những hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Vị trí và chức năng Thông tư quy định: Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; thanh niên; thi đua, khen thưởng.
Sở Nội vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nội vụ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ được hướng dẫn cụ thể qua Điều 1, Điều 2 và Điều 3 như sau:
Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các quyết định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án và chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực nội vụ trên địa bàn cấp tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành, lĩnh vực nội vụ đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương theo quy định của Đảng, của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên.
Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ; quyết định bổ nhiệm nhân sự thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Đảng và của pháp luật;
Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;Hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thẩm định đối với các dự thảo văn bản; thẩm định, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện phân loại, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp trong việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện….
Trường hợp không thành lập chi cục trực thuộc và tổ chức tương đương chi cục trực thuộc Sở Nội vụ thì Sở Nội vụ phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Tổ chức phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở đáp ứng đủ tiêu chí thành lập phòng theo quy định của pháp luật hoặc giao một phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực đó; Tổ chức lại Trung tâm Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở theo đúng quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Về vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức: Thẩm định đề án vị trí việc làm, đề án điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổng hợp cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật.
Về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Thẩm định đề án vị trí việc làm, đề án điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên…; Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; Tổng hợp vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ tài chính…
Về thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan cấp trên; Thực hiện công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính, hồ sơ, mốc, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp xã; tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép hội có phạm vi hoạt động trong cả nước và hội có phạm vi hoạt động liên tỉnh đặt văn phòng đại diện của hội ở địa phương theo quy định của pháp luật; Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử cấp tỉnh; Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án phát triển thanh niên tại địa phương; công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh…đều được hướng dẫn cụ thể.
Vị trí và chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Nội vụ cũng được quy định rõ trong Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.
Thông tư số 5/2021/TT-BNV ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ Nội vụ sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2021. Thông tư này thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 31 tháng 10 năm 2014 và bãi bỏ Thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ./.
Ánh Tuyết - Sở Nội vụ