Trên cơ sở đó, bộ phận Tôn giáo được tách ra từ Ban Tôn giáo - Dân tộc sáp nhập về Sở Nội vụ thành lập Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ. Phòng Tôn giáo được bố trí 01 Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và 03 chuyên viên có nhiệm vụ làm tham mưu giúp Ban Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Ngày 31 tháng 12 năm 2009, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 4677/QĐ-UBND về thành lập Ban Tôn giáo trên cơ sở nâng cấp Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Tỉnh và được đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, Ban Tôn giáo có tư cách pháp nhân, có khuôn dấu, tài khoản riêng.
Ngày 16 tháng 11 năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh.
Qua đó, Ban Tôn giáo thành lập 02 Phòng chức năng (Phòng Nghiệp vụ, Phòng Tổng hợp - Hành chánh) với tổng biên chế được giao là 10đồng chí. Trong đó: 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó phòng chức năng và chuyên viên.
Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, tập thể cán bộ, công chức Ban Tôn giáo đã làm tốt vai trò tham mưu giúp Ban Giám đốc Sở Nội vụ, UBND tỉnh, Tỉnh ủy giải quyết tốt các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tôn giáo như: cho phép tổ chức lễ trọng trong tôn giáo trên 500 cuộc, xây dựng mới cơ sở thờ tự 18 trường hợp, công nhận trên 130 cơ sở thờ tự, phong chức, phong phẩm 85 trường hợp, cấp đất xây dựng cơ sở thờ tự là 25.471,5m2… từng bước đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của tổ chức, cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thành lập nhiều đoàn cán bộ thăm, tặng quà chúc mừng chức sắc, các cơ sở thờ tự nhân dịp lễ trọng tôn giáo và các ngày Lễ, Tết của dân tộc, với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng, qua đó đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra, Ban Tôn giáo còn quan tâm đến công tác đào tạo chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Qua 05 năm, đã cử 01đồng chí học sau đại học chuyên ngành tôn giáo tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 01 đ/c tham gia học đại học chuyên ngành, 03 đồng chí học cao cấp, trung cấp lý luận chính trị từng bước chuẩn hóa về trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu công tác tôn giáo trong tình hình mới hiện nay.
Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo còn chủ động kết hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, các ngành chức năng của tỉnh tổ chức trên 65 cuộc tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho hơn 182.375 lượt cán bộ, công chức từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, chức sắc, chức việc, tín đồ, nhà tu hành, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo, dân tộc tham dự. Đồng thời, còn kết hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức được 07 cuộc tuyên truyền về lịch sử vùng đất Nam Bộ cho chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo với hơn 1.750 lượt người tham dự.
Qua 05 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy, chính quyền. Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Tôn giáo không ngừng được củng cố và lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Tôn giáo trên địa bàn tỉnh, có thể khẳng định rằng, công tác quản lý Nhà nước về Tôn giáo trong 05 năm qua ở Bạc Liêu tiếp tục được thực hiện tốt và nâng lên một tầm cao mới, được đánh dấu bằng những ý kiến tham mưu, đề xuất chính xác, hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Do đó, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động trong sự ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, sự hướng dẫn, quản lý của các cấp chính quyền và thực hiện phương châm hành đạo; các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và bà con tín đồ các tôn giáo an tâm, phấn khởi thể hiện đời sống và đức tin một cách chính đáng, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, phong trào xóa đói giảm nghèo và hưởng ứng tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với giáo hội, chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những kết quả đáng ghi nhận trên, Bạc Liêu được coi là một trong những tỉnh đi đầu về công tác tôn giáo./.